Dinh dưỡng mẹ và bé

Thành phần sữa mẹ cung cấp hàm lượng dinh dưỡng nào cho con?

Thành phần sữa mẹ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của con, mà còn có vai trò như một liều vacxin, giúp con chống lại các tác nhân (virus, vi khuẩn,...) gây bệnh. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng tại Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến khích, trẻ nên được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời, và trong 12 tháng tiếp theo sẽ kết hợp bú và ăn dặm để mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy thành phần sữa mẹ cung cấp hàm lượng dinh dưỡng nào cho con? Hãy cùng Dinh dưỡng mẹ và bé tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thành phần sữa mẹ

Thành phần sữa mẹ là một loại sữa kết hợp hoàn hảo nhất giữa các chất dinh dưỡng thiết yếu gồm: Lipid (chất béo), protein (chất đạm), carbohydrate (chất bột đường), vitamin và các khoáng chất, men cùng hormone. Các thành phần dinh dưỡng này của sữa sẽ được thay đổi qua từng giai đoạn, thuộc vào độ tuổi, thời gian và nhu cầu của trẻ. Thành phần dinh dưỡng cụ thể có trong sữa mẹ gồm:

1. Lipid (Chất béo)

Chất béo (Lipid) cung cấp hơn 50% năng lượng mỗi ngày cho trẻ, và nó cũng được xem là một thành phần thiết yếu và quan trọng nhất có trong sữa mẹ. Chất béo có trong sữa mẹ thành phần chính được hình thành từ các Triglycerid và acid béo dài: 

  • AA và DHA: hỗ trợ phát triển võng mạc, các mô thần kinh, tăng cường hoạt động của não bộ và giúp hoàn thiện hệ miễn dịch cho trẻ;
  • MHO: là một loại acid béo ngắn, đóng vai trò như một loại chất xơ giúp đẩy chất thải và tác nhân có hại (vi khuẩn, virus,...) ra khỏi hệ sinh thái đường ruột của trẻ;
  • Là dung môi hỗ trợ quá trình hấp thụ những loại vitamin quan trọng với cơ thể của bé.

2. Protein (Chất đạm) 

Chất đạm (protein) cung cấp amino-acid cho trẻ, hỗ trợ tăng trưởng hệ cơ và xương chắc khỏe. Đồng thời nó còn tạo các kháng thể, làm dung môi cho hormone và hình thành các loại men cần thiết. Trong thành phần của protein gồm có: whey protein và casein protein:

  • Whey protein: chiếm tỷ lệ 60% (immunoglobulin, lysozyme, a-lactalbumin, lactoferrin,...). Vừa đóng vai trò làm chức năng dinh dưỡng, vừa đảm nhận chức năng bảo vệ và đào thải các chất dư thừa, cặn bã, các chất độc, tế bào lạ ra khỏi cơ thể. Hơn nữa, nhờ ở dạng lỏng mà whey protein còn giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, dễ dàng hấp thụ và giúp niêm mạc ruột phát triển hoàn chỉnh.
  • Casein protein: chiếm 40% còn lại, với chức năng dinh dưỡng là chính, nó kết tủa trong ruột dưới dạng mềm như đậu phụ giúp dễ tiêu hóa và hấp thụ.

3. Carbohydrate (Chất bột đường)

Disaccharide Lactose (đường Lactose) là thành phần chính có trong sữa mẹ. Nó cung cấp hơn 40% năng lượng thiết yếu cho sự phát triển và tăng trưởng của bé. Carbohydrate có 2 thành phần chính gồm: Lactose và Oligosaccharide. Chúng đều có vai trò quan trọng cấu thành sữa mẹ, cùng có tác dụng hỗ trợ sự phát triển não bộ, giúp bé có hệ đường ruột khỏe mạnh, tiêu hóa tốt và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cao hơn.

4. Kháng thể (thụ động)

Thành phần có trong sữa mẹ giống như một loại vacxin, có tác dụng giúp con lớn khôn khỏe mạnh và tạo nên hàng rào bảo vệ, chống lại các tác nhân từ môi trường bên ngoài gây bệnh nguy hiểm. Hàng triệu bạch cầu sống và các globulin miễn dịch từ sữa mẹ sẽ đi vào cơ thể trẻ sau mỗi cữ bú. Lúc này, nếu trẻ bị vi khuẩn, virus tấn công, các chất này sẽ ngăn lại, bảo vệ cơ thể của trẻ khỏe mạnh. 

5. Vitamin và các khoáng chất

Trong thành phần sữa mẹ bao gồm rất nhiều sắt, canxi và selen,... những chất này đều rất dễ hấp thụ. Hơn nữa, chúng còn mang lại cho trẻ một hệ răng và xương chắc khỏe, tạo sức đề kháng vững mạnh hơn, cùng nhiều lợi ích cho trí não của bé.

6. Men và hormone

Trong sữa mẹ bao gồm lượng men tiêu hóa dồi dào (lipase, amylase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin) hỗ trợ tăng sức khỏe cho đường ruột và cân bằng sinh hóa. Bé có thể làm quen với các loại thực phẩm khác nhau thông qua các men và hormone này, vì mùi vị sữa thay đổi phụ thuộc vào thực phẩm mẹ ăn.

Sữa mẹ chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của trẻ

Các giai đoạn thay đổi thành phần sữa mẹ

Sữa mẹ được bắt đầu hình thành sau khi sinh và diễn ra trong ba giai đoạn, gồm: sữa non, sữa chuyển tiếp và sữa trưởng thành. Đồng thời, qua mỗi giai đoạn thành phần sữa của mẹ cũng sẽ được thay đổi theo để phù hợp với nhu cầu của trẻ. Mỗi giai đoạn thành phần của sữa sẽ gồm:

Sữa mẹ trải qua 3 giai đoạn để phù hợp với nhu cầu của bé

1. Giai đoạn sữa non

Sau khi sinh, ngực của mẹ tiết ra một loại chất lỏng hoặc đặc dính, có màu vàng, được gọi là sữa non. Sữa non có thành phần dinh dưỡng tương tự sữa trưởng thành, nhưng hàm lượng của nó khác nhau để phù hợp với độ tuổi của trẻ sơ sinh. 

Đặc biệt, hàm lượng kháng thể và bạch cầu có trong sữa non chiếm tỷ lệ cao, giúp bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và bệnh tật. Hơn nữa, sữa non cũng rất giàu khoáng chất và vitamin, có nồng độ vitamin (A, E, K) và protein cao hơn nhiều so với sữa mẹ ở giai đoạn trưởng thành. Điều này đóng vai trò như thuốc nhuận tràng để giúp bé thải phân su thuận tiện hơn.

2. Giai đoạn sữa chuyển tiếp

Sau sinh từ ngày thứ 5 trở đi đến khoảng ngày thứ 14, sữa mẹ đã chuyển sang giai đoạn sữa chuyển tiếp, từ sữa non sang sữa trưởng thành. Thành phần của sữa chuyển tiếp có hàm lượng chất béo, calo và lactose cao hơn sữa non, có tác dụng giúp trẻ sơ sinh phát triển nhanh hơn. Song song với đó, hàm lượng các kháng thể trong sữa chuyển tiếp vẫn đạt tỷ lệ rất cao, nhờ vậy mà cơ thể của bé được bảo vệ tốt giúp bé lớn nhanh khỏe mạnh.

3. Giai đoạn sữa trưởng thành

Giai đoạn cuối cùng của sữa mẹ được gọi là giai đoạn sữa trưởng thành. Lúc này, bé được khoảng 4 tuần tuổi, sữa mẹ cũng đã đủ độ chín để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của bé. Thành phần có trong sữa trưởng thành rất giàu protein, đường, vitamin và khoáng chất, bên cạnh đó còn có thêm các thành phần sinh hóa (hormone, enzym, các tế bào sống…).

Vì sao sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn tốt nhất, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển đầy đủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các thành phần có trong sữa mẹ giúp con có điều kiện phát triển toàn diện và cơ thể cũng như hệ thống các cơ quan. Điển hình như:

  • Phòng ngừa các bệnh chuyển hóa tim mạch (như béo phì, cao huyết áp, lipid máu cao và bệnh tiểu đường loại 2);
  • Tăng cường trí não - chỉ số IQ cao hơn;
  • Giúp phát triển và bảo vệ các bộ phận tai - mắt - mũi - họng của bé tránh các tác nhân gây bệnh;
  • Các hệ cơ quan gồm: Hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, đường ruột, hệ nội tiết, hệ tiết niệu,... cũng ít bị nhiễm trùng và giảm nguy cơ viêm nhiễm;
  • Cơ khớp của con ít bị viêm khớp dạng thấp và da cũng không bị chàm, dị ứng nhiều;
  • Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được hoàn thiện, khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư ở thời kỳ trưởng thành;...
Sữa mẹ là sữa tốt nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt 

Trong trường hợp mẹ bận rộn hoặc đi vắng và muốn chuẩn bị, dự trữ sẵn sữa để khi nào bé cần đều sẽ có kịp thời, thì mẹ cần phải biết cách bảo quản, tránh khiến sữa hư hỏng, con uống vào bị tiêu chảy. Cách bảo quản sữa mẹ cũng không quá khó. Sau khi vắt sữa cho vào bình hoặc các túi kín, mẹ hãy cho vào tủ lạnh để dùng liền hoặc tủ đông để dùng lâu hơn, cụ thể:

  • Để sữa ở nhiệt độ thường khoảng 26°C thì sẽ dùng an toàn trong 4-6 giờ;
  • Nhiệt độ khoảng 22°C: có thể dùng trong 6-8 giờ;
  • Dự trữ sữa mẹ ở ngăn thường tủ lạnh thì nên dùng trong vòng 24 giờ;
  • Đối với sữa được bảo quản ở ngăn đá có thể sử dụng dần trong khoảng hai tuần;
  • Còn nếu sữa lưu trữ trong tủ đông chuyên biệt -18°C, có thể giữ đến tận sáu tháng;
Sữa mẹ cần được bảo quản đúng cách để không làm mất đi thành phần dinh dưỡng vốn có

Trước khi lấy sữa từ tủ lạnh ra, mẹ nên hâm nóng sữa để bé bú tốt hơn bằng cách ngâm vào nước nóng hoặc cũng có thể sử dụng các máy hâm sữa chuyên biệt.

Giữ sữa trong bình và mang đi chưng nước ấm trước khi cho bé bú

Thành phần sữa mẹ vừa là nguồn dưỡng chất quan trọng, vừa là hàng rào bảo vệ con khỏi tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, sữa mẹ cũng sẽ thay đổi theo thời gian trưởng thành của bé. Vì thế cho nên, dù ở hoàn cảnh nào, mẹ cũng phải ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng mới chào đời để bé có một tương lai khỏe mạnh nhất. Các mẹ có thể theo dõi thêm Nutrihome để nắm được các thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ đáng tin cậy đến từ đội ngũ chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm.

Xem thêm:

  1. Sữa mẹ: nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  2. Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ và những thay đổi mẹ nên biết